Home
»
Món ngon mỗi ngày
»
Làm mâm cỗ ngon ngày Tết miền Bắc
Làm mâm cỗ ngon ngày Tết miền Bắc
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Việt Nam. Đây chính là dịp để mỗi cá nhân có thời gian nghỉ ngơi, được đoàn tụ bên gia đình, cùng nhau hướng tới một năm mới ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Để chuẩn bị cho ngày Tết được như ý hãy tham khảo cách làm mâm cỗ ngày Tết dưới đây.
Hãy xem, hướng dẫn chi tiết cách làm mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người miền Bắc như thế nào nhé:
1.Thịt gà, thịt lợn
Muốn làm mâm cỗ ngày Tết được đầy đủ thì bạn phải chuẩn bị rất công phu, kĩ càng. Đầu tiên là làm thịt gà, bạn phải chọn được thịt gà trống choai, được chọn lựa cẩn thận: mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Người Việt Nam quan niệm: cựa gà có đẹp thì cả năm mới sung túc, ấm no. Gà được thịt để cúng giao thừa, sau đó chia cho con cháu ăn hưởng lộc. Còn thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ (thường 1/3 mỡ, 2/3 nạc), dầy mình, vuông vắn.
2.Giò
Món ăn tiếp theo khi bạn làm mâm cỗ ngày Tết là chọn giò, món giò ở đây có thể là giò nạc, giò lụa, miếng giò chắc, thơm ngọt. Giò được gói tròn. Trong mâm cơm có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, khoanh giò tròn tượng trưng cho trời, thể hiện sự hoà hợp, cân bằng giữa trời đất và con người. Âm dương cân bằng, gia chủ mới mạnh khoẻ, con cháu ngoan hiền, làm ăn phát đạt.
3.Xôi Gấc
Trong mâm cỗ đầu năm ngoài bánh chưng thì không thể thiếu được đĩa xôi. Cho dù bạn có thể nấu rất nhiều loại xôi nhưng xôi đầu năm mới phải là xôi gấc hoặc xôi đỗ. Màu đỏ của gấc, màu vàng ruộm của đỗ thể hiện niềm tin, hi vọng của gia chủ vào một năm mới làm ăn thành công, gặp nhiều may mắn.
4.Dưa Hành
Các cụ có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Khi làm mâm cỗ ngày Tết, không thể thiếu được đĩa dưa hành vàng óng, thơm lừng. Dưa hành không chỉ để ăn kèm với thịt luộc mà còn là một món ăn rất tốt cho sức khoẻ trong dịp Tết. Thông thường, trong dịp Tết, mọi người thường ăn rất nhiều thịt, đồ nếp, đồ ngọt vì vậy đĩa dưa hành chính là một món ăn rất tốt cho hệ tiêu hoá, đảm bảo cho cả gia đình có một năm mới khoẻ mạnh.
Ngoài ra, trong mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ các vị: vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh … tất cả tạo nên một mâm cơm sum vầy no đủ nữa.
5. Tại sao phải có đủ bốn bát, bốn đĩa khi làm mâm cỗ ngày Tết?
Thực ra, con số bốn là con số tượng trưng cho sự vuông vắn, cân đối, đầy đặn, vững chãi. Ngoài ra còn có đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm là mười. Số mười tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn. Mâm cơm đầu năm mới đã thể hiện tất cả những mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, ấm no, thành công và hạnh phúc.
Mâm cơm đầu năm mới trước để cúng thần linh, ông bà tổ tiên để xin lộc của thần linh, tiên tổ. Hết tuần hương, mâm cơm được dọn cho cả nhà cùng ăn, với ý nghĩa hưởng lộc của thần linh, tổ tiên phù hộ, cả năm không ốm đau, con cháu học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, gia đình thuận hoà, tránh mọi tai ương.