Tiệc “Mừng thọ” thường được diễn ra vào dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên và là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.
Tiệc mừng thọ
Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời. Ngũ Phúc bao gồm năm yếu tố là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Điều này thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.
Người xưa cho rằng những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe, mới có con cháu đề huề. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ “Mừng thọ” cho ông bà. Mừng thọ chính là mừng cái phúc được sống lâu, sống khỏe với con cháu. Chữ “THỌ” phân ra nhiều bậc, để biết mức độ thọ nhiều tuổi, ít tuổi, các mức độ bao gồm như sau:
- “Khao lão” là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là vào dịp 50 tuổi, gọi là “Noãn thọ” (thọ ấm áp) hay
“Bán bách thiêm thọ” (thọ nửa trăm).
- “Chúc Thọ” là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên.
- “Trung Thọ” là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên.
- “Thượng Thọ” là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên.
- “Đại Thọ” là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên, gọi là “Ráng”.
- “Lão thiêm thọ” (thọ đỏ) gọi tắt là “Lão thọ”. 100 tuổi, xưng là “Kỳ Di” (thuật ngữ riêng chỉ cho trăm tuổi).
Lễ “Mừng thọ” thường được diễn ra vào dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên và là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.