Home
»
mam-co-dau-nam
,
mam-co-tet
,
mon-an-ngay-tet
»
Gợi ý 5 món ăn ngày Tết trong mâm cỗ đầu năm mới
Gợi ý 5 món ăn ngày Tết trong mâm cỗ đầu năm mới
Thịt đông là một trong những món ăn ngày Tết đặc trưng của người dân miền Bắc. Thịt đông có màu nhàn nhạt của thịt, khi đông sẽ có một lớp váng mỡ trắng mịn trên bề mặt. Khi ăn sẽ cảm nhận được độ mềm, ngậy, béo của miếng thịt, mộc nhĩ giòn, thêm vị man mát của rau câu vô cùng hấp dẫn, đưa cơm.
Gỏi tôm có vị chua chua, ngọt ngọt. Món ăn Tết này rất hợp để khai vị trong bữa tiệc tất niên bên người thân. Giống đa phần món gỏi khác, nước trộn với gia vị chủ chốt là nước mắm đóng vai trò quyết định giúp hoà quyện các nguyên liệu tưởng chừng ít có điểm chung như xoài xanh, cà rốt, hành và tôm khô. Một chút khéo léo khi pha nước trộn gỏi, bạn hoàn toàn có thể tạo nên mỹ vị trong mâm cỗ ngày Tết.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống của người dân Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, bánh chưng tượng trưng cho sự hòa quyện của đất trời, là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc.
Ngoài ra, món ăn này còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Thêm nữa, hương vị bánh cũng thay lời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước.
Mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng, cao quý nên việc làm bánh chưng được vuông vức, dẻo thơm cũng đòi hỏi người làm cần phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, và khi làm cần có sự tỉ mỉ, khéo léo. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và được nấu trong nồi với thời gian khá lâu.
Tương tự như bánh chưng, bánh tét của người dân Nam Bộ cần chuẩn bị các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Nhưng bánh tét khác ở chỗ nó có thể thay thế bằng đỗ đen, gạo nếp cẩm hoặc các loại gạo được nhuộm màu tự nhiên khác.
Bánh tét có hình trụ dài, được gói bằng lá chuối bên ngoài tượng trưng cho tình mẫu tử mẹ bao bọc lấy con, mong muốn gia đình, đoàn tụ sum vầy sau một năm đi làm xa nhà.
Nhắc đến các món ăn ngày Tết thì không thể bỏ qua món dưa hành. Chả thế mà dân gian còn có câu “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Dưa hành thường được dùng để ăn kèm với bánh chưng hoặc những món ăn nhiều dầu mỡ để giảm độ ngấy.